Không thể phủ nhận rằng, kể từ khi Covid-19 tấn công nước Pháp, Emmanuel Macron đã làm tất cả để cứu không chỉ đất nước, mà cả hình ảnh chính trị của ông.

Trong chương trình đối thoại với người dân trên truyền hình vào ngày 13/4, Tổng thống Pháp tuyên bố sẵn sàng cho những thay đổi sâu sắc trong việc lãnh đạo đất nước. Sau đó, ông hứa “những ngày tốt hơn, hạnh phúc hơn” sẽ đến với nhân dân Pháp.

Trong tuần này, Emmanuel Macron dự định sẽ tiếp các cựu Tổng thống và Thủ tướng Pháp tại Champs Elysees. Theo Emmanuel Macron, họ cần phải chia sẻ với ông trách nhiệm chính trị về số phận của nền Đệ ngũ Cộng hòa trong một thời kỳ “chưa từng có của lịch sử”.

Ông cam kết sẽ làm tất cả để tạo ra một xã hội công bằng hơn, gắn kết hơn, thích nghi hơn với những thách thức mới.

Bất chấp những lời hứa từ Tổng thống, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước Pháp. Trong quý I/2020, GDP đã giảm 5,8% và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1949. Trong bối cảnh ấy, Emmanuel Macron không chấp nhận một mình chịu trách nhiệm với những khó khăn chưa từng có của nền kinh tế Pháp. Ông cần chia sẻ gánh nặng này với các chính trị gia khác, kể cả những người tiền nhiệm.

Theo Monde, vào ngày 3/6, Macron đã mời các nhà lãnh đạo của Quốc hội, Thượng viện và Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (CESE) tới Champs Elysees và kêu gọi họ tìm ra những biện pháp hiệu quả nhất có thể, tạo ra bước đột phá để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng từ Covid-19. Emmanuel Macron cũng chờ đợi những đề xuất mới từ các cựu Tổng thống như: Nicolas Sarkozy, Francois Hollande và thậm chí cả Valery Giscard d’Estaing. Sau đó là các cuộc đàm phán với các cựu Thủ tướng Manuel Waltz và Bernard Kazeneuve.

Thực ra, chả ai bắt Tổng thống Pháp phải tham khảo ý kiến của bất kỳ ai trước khi đưa ra quyết định của mình. Tuy nhiên, để tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề cấp bách, Macron đã bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị rộng lớn. Trong những tháng qua, các cuộc trò chuyện giữa ông chủ của Champs Elysees và cựu Tổng thống Sarkozy đã thường xuyên hơn. Trong điều kiện bỏ kiểm dịch và giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách, lời khuyên của Sarkozy đặc biệt hữu ích, bởi chính ông đã giúp giảm thiểu hậu quả cho nước Pháp trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009.

Với Chủ tịch Thượng viện, Gerard Larcher, Emmanuel Macron đã thảo luận các vấn đề liên quan đến phân cấp, được các nhà lập pháp coi là một bước đi quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi. Với các đối tác xã hội, bao gồm đại diện của các công đoàn và người sử dụng lao động, Macron đã thảo luận các biện pháp để giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp. Phát biểu trước đại diện công đoàn, Macron kêu gọi họ bắt đầu đàm phán tại các doanh nghiệp để ngăn chặn làn sóng sa thải người lao động.

Đối với Emmanuel Macron, đây là sứ mệnh lớn lao, bởi cuộc khủng hoảng nổ ra trong bối cảnh chỉ số tín nhiệm của Tổng thống giảm sút nghiêm trọng. Theo kết quả cuộc khảo sát do Journal du dimanche thực hiện, chỉ có 28% người Pháp chấp nhận Emmanuel Macron.

132 1 Hoi Nghi Dien Hong Chua Tung Co Trieu Dai Tong Thong Emmanuel Macron

Chính vì vậy, các cuộc gặp với các chính trị gia và đối tác xã hội nổi tiếng không chỉ là một nỗ lực để phát triển các đường hướng chính trị mới, mà còn là một bước cho phép ông tìm thấy sự hỗ trợ trong giới tinh hoa và rộng rãi hơn là trong xã hội Pháp. Emmanuel Macron đang làm tất cả để bắt đầu “kỷ nguyên mới” cho triều đại của mình.

 

 

 

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga