Video được tài khoản Rjimranofficial đăng trên mạng xã hội Twitter quay cảnh chiếc Airbus A320 đột ngột chúi mũi xuống và mất độ cao, sau đó phi công dường như đã cố gắng kiểm soát và điều khiển máy bay theo phương ngang.

132 1 Giay Phut May Bay Pakistan Phat No

Chiếc Airbus A320 đột ngột chúi mũi xuống, mất độ cao rồi sau đó lao vào khu dân cư và phát nổ, dù phi công đã nỗ lực cứu máy bay.

 

Tài khoản Twitter sneheshphilip đăng video trích xuất từ camera an ninh cho thấy chiếc máy bay lướt qua khu dân cư rồi đâm xuống đất, phát nổ và bốc cháy. Một nhân chứng cho biết máy bay va vào tháp viễn thông rồi đâm vào các ngôi nhà.

 

Máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan rơi xuống thành phố Karachi, ngày 22/5. Video: Twitter/Rjimranofficial,sneheshphilip.

Chiếc Airbus A320 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan (PIA), mang số hiệu PK 8303, chở 91 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn cất cánh từ Lahore. Máy bay mất liên lạc với trạm điều khiển không lưu vào khoảng 14h30 ngày 22/5, sau đó lao xuống khu dân cư tại thành phố Karachi, miền nam Pakistan.

Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là trục trặc kỹ thuật. Phát ngôn viên PIA Abdullah Khan cùng một số nhân chứng cho biết máy bay lượn nhiều vòng trước khi rơi xuống đất.

Nhiều ngôi nhà bị mảnh vỡ đè sập hoặc gây hư hại, nhiều đám cháy bùng phát tại hiện trường vụ tai nạn. Lực lượng cứu hộ cho biết đã tìm thấy hơn 80 thi thể và đang tiếp tục tìm kiếm dưới đống đổ nát.

Ít nhất hai hành khách sống sót trong vụ tai nạn, trong đó có Zafar Masood, chủ tịch ngân hàng tỉnh Punjab. Nhiều trẻ nhỏ được nhân viên cứu hộ, binh sĩ và dân địa phương cứu thoát khỏi hiện trường vụ tai nạn.

Thủ tướng Imran Khan cho biết "vô cùng sốc và đau buồn", khẳng định Pakistan sẽ sớm điều tra vụ tai nạn. Sự cố xảy ra vài ngày sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay thương mại sau thời gian dừng hoạt động vì lệnh hạn chế đi lại để ngăn nCoV.

Tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Pakistan xảy ra năm 2010, khi một chiếc Airbus A321 của hãng Airbule lao xuống ngoại ô thủ đô Islamabad, khiến 152 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn này bắt nguồn từ lỗi của phi công.

Nguyễn Tiến (Theo Zvezda, Twitter)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga