Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng, việc tăng giá dầu là rất cần thiết bởi giá dầu thấp mặc dù đang giúp cho các công ty hàng không Mỹ và người tiêu dùng khác hưởng lợi, nhưng mặt khác nó lại gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng dự định sẽ hội đàm với lãnh đạo Nga và Saudi Arabia để cắt giảm nguồn cung dầu mỏ thế giới, nhằm làm tăng giá dầu.

Giá dầu xuống thấp kỷ lục

Trong ngày 01/4/2020, giá dầu đang ở gần mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan, làm suy giảm nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.

Dầu thô Brent sáng ngày 01/4 giờ GMT đã giảm 1,02 USD, tương đương 3,9%, ở mức 25,33 USD/thùng. Dầu thô WTI đã giảm 35 cent, tương đương 1,7%, ở mức 20,13 USD/thùng.

132 1 Gia Dau Xuong 20usd Giong Ong Trump Mem Di Trong Thay

Giá dầu xuống thấp gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ và thế giới

Giá dầu trong một tháng qua đã giảm đến 54 – 55% và xuống thấp kỷ lục vào hôm 01/4, mà “Ngày cá tháng Tư” mới là ngày đầu tiên mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác bên ngoài (OPEC+) bước vào cuộc đua tăng sản lượng.

Các dự báo của giới chuyên gia vẫn cho thấy, giá dầu có thể giảm nữa do cú sốc từ dịch bệnh coronavirus và sự mất cân bằng cung-cầu là quá lớn, ngay cả khi nếu đàm phán cắt giảm sản lượng giữa Nga và Saudi Arabia có tiến triển, cũng không tác động nhiều.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn. Các mỏ Oklahoma, Colorado, Kansas và Louisiana đang “lâm nguy” do giá dầu đã giảm đáng kể trong tuần qua, khiến tất cả các công ty dù lớn hay nhỏ đều đã phải bù lỗ.

Giá dầu chuẩn như Light Louisiana Sweet giảm xuống còn 5,85 USD và dầu Oklahoma Sweet giao dịch ở mức 16,50 USD/thùng (số liệu ngày 30/3). Trong khi đó, giá dầu ở bang Utah thậm chí chỉ còn 1,25 USD/thùng.

Giá dầu cực thấp khiến các nhà sản xuất đá phiến lớn hơn như Pioneer, Exxon và Chevron có thể cầm cự để tái sản xuất, nhưng các nhà sản xuất nhỏ hơn và ở những khu vực xa xôi hẻo lánh có nhiều khả năng ngừng sản xuất lâu dài hoặc đối mặt với phá sản.

Mỹ muốn thảo luận với Nga, Saudi để tăng giá dầu

Trong bối cảnh đó, Mỹ đã không còn “bình chân như vại” như mấy hôm trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 01/4 cho biết, Hoa Kỳ, Nga và Saudi Arabia sẽ thảo luận về việc giảm sản lượng để tăng giá dầu thế giới, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ của mình.

"Họ (Liên bang Nga và Saudi Arabia) có kế hoạch họp lại với nhau, tất cả chúng tôi có kế hoạch họp lại để đánh giá xem chúng tôi có thể làm gì. Bởi vì các vị không muốn mất đi ngành công nghiệp dầu mỏ. Đó là hàng nghìn, hàng nghìn chỗ làm" - ông Trump nói trong cuộc họp báo.

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng, hai nước Nga và Saudi đang thảo luận về vấn đề giảm giá dầu, ông cũng sẽ cùng tham gia, nếu điều đó là cần thiết.

Ông nhận xét rằng, trước đó ông cũng đã có “các cuộc nói chuyện tốt đẹp” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế là các công ty hàng không và người tiêu dùng Mỹ đến giớ phút này cũng chẳng nhận được lợi lộc gì, bởi giá nhiên liệu mặc dù giảm mạnh, nhưng các hãng cũng chẳng có chuyến bay nào, còn người dân Mỹ giờ có mấy ai dám ra đường?

Do đó, giá dầu thấp chẳng làm lợi cho bất cứ ai, nên điều cần thiết nhất bây giờ là phải giảm bớt thiệt hại của ngành công nghiệp năng lượng Mỹ bằng các đòn bẩy làm cho giá dầu tăng lên, mà hiệu quả nhất là vận động các nước giảm sản lượng, thu hẹp và tiến tới cân bằng cung-cầu.

Sự kiện dẫn đến giá dầu lao dốc

Giá dầu kể từ đầu tháng 3 đến nay đã lao dốc không phanh trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường sụt giảm cực mạnh do sự bùng phát của dịch coronavirus (COVID-19), cũng như do thỏa thuận của nhóm OPEC+ hết thời hạn hiệu lực, dẫn đến nguồn cung dầu vượt quá xa so với nhu cầu.

Vào ngày 6 tháng 3, các nước trong nhóm đã không nhất trí được với nhau về việc thay đổi các thông số trong thỏa thuận đối với việc giảm sản lượng khai thác hoặc gia hạn những thỏa thuận đó.

Cụ thể, Nga đề xuất duy trì các điều kiện hiện có, còn Saudi Arabia lại muốn giảm thêm sản lượng khai thác. Việt OPEC+ không đạt được thỏa thuận dẫn đến hậu quả là từ ngày 1 tháng 4, các hạn chế đối với việc khai thác dầu tại các nước tham gia liên minh trước đây được dỡ bỏ.

Sau khi đàm phán OPEC+ đổ vỡ, các phương tiện truyền thông đã bắt đầu viết về sự khởi đầu của một cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất.

Cụ thể, hãng thông tấn Reuters đưa tin rằng Saudi Arabia, đang cố gắng đánh bật dầu của Nga ra khỏi các thị trường chủ yếu, thay vào đó chào bán dầu của mình với giá thấp hơn.

Đồng thời, vương quốc này chính thức tuyên bố tăng nguồn cung cấp dầu từ tháng 4 lên 12,3 triệu thùng mỗi ngày, cao hơn 300 nghìn thùng mỗi ngày so với năng lực sản xuất của họ. Số dầu còn thiếu trong sản lượng khai thác sẽ lấy từ nguồn dầu dự trữ.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng, Nga và Saudi Arabia không tiến hành các cuộc chiến giá cả trên thị trường dầu mỏ, tình hình thế giới hiện đang không thuận lợi đơn thuần là do sự không đồng thuận về chính sách dầu mỏ giữa các nước và đại dịch COVID-19.

Nhật Nam

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga