Vấn đề cung cấp nước ngọt cho cư dân trên bán đảo Crimea là chủ đề nóng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine từ vài năm qua.

132 1 Don Hiem Cua Nga Buoc Ukraine Ngung Phong Toa Nguon Nuoc Crimea

Kể từ khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Ukraine đã trả đũa và tìm cách gây sức ép bằng cách khống chế nguồn cung cấp nước ngọt cho cư dân sống trên vùng đất này.

Đã có nhiều cuộc đàm phán, tranh cãi, thậm chí cả đe dọa sử dụng biện pháp quân sự nhưng tình hình vẫn chưa thể được giải quyết một cách triệt để, và người dân sống trên bán đảo Crimea vẫn ở trong tình trạng "khát nước".

Nhưng mới đây Nga đã thực hiện một bước đi thông minh, có khả năng chính thức buộc Kiev phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa nguồn nước đối với Crimea. Ý kiến này đã được chia sẻ bởi các nhà phân tích người Ba Lan từ Viện Quan hệ Quốc tế.

Theo họ, trong nhiều năm, Điện Kremlin đã cố gắng buộc Ukraine mở các cửa xả lũ của Kênh đào Bắc Crimea - yếu tố chính khiến bán đảo bị mất 85% lượng nước ngọt, chủ đề này vẫn còn khá nhức nhối đối với cả Moskva và người dân trong khu vực.

Đây là lý do tại sao Liên bang Nga muốn ép Ukraine khơi nguồn nước, nhưng đến nay mọi nỗ lực đều thất bại, kể cả khi Moskva đã đưa ra những lợi ích kinh tế hấp dẫn đối với Kiev.

Nhiều lời kêu gọi của chính phủ Nga đối với các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc cũng chẳng đi đến đâu. Nỗ lực gần nhất được thực hiện bởi cựu công tố viên Crimea và đương kim Phó chủ tịch Duma Quốc gia - bà Natalia Poklonskaya.

Nghị sĩ này đã gửi đơn kiện lên Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc với yêu cầu gây áp lực lên chính quyền Kiev trong bối cảnh Crimea bị phong tỏa nguồn nước. Đáng tiếc là trong trường hợp trên cũng không có kết quả đáng kể.

132 2 Don Hiem Cua Nga Buoc Ukraine Ngung Phong Toa Nguon Nuoc Crimea

Ukraine đang chặn kênh đào Bắc Crimea để khống chế nguồn nước ngọt cho bán đảo

Tuy nhiên có thể trong tương lai gần tình hình sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn. Cụ thể, Điện Kremlin đang cố gắng sử dụng một thủ thuật thông minh với việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Các chuyên gia từ Ba Lan nhận định, Nga đang chuẩn bị sử dụng khả năng của nền tảng châu Âu để nói về vấn đề nguồn nước cho Crimea theo cách thường xuyên nhất có thể. Cơ sở sẽ là bước đi của bà Natalia Poklonskaya.

Báo chí Nga nhắc lại sau cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014, người dân Crimea từ chối công nhận chính phủ mới và đòi độc lập. Về vấn đề này, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức trong khu vực, kết quả là bán đảo Crimea quyết định quay trở lại Nga.

Tuy vậy Ukraine cáo buộc Liên bang Nga đang chiếm đóng lãnh thổ và như một "sự trừng phạt", họ đã đóng các cửa xả của Kênh đào Bắc Crimea, nơi cung cấp nước từ Dnepr cho bán đảo.

Để khắc phục tình hình, Chính phủ Nga đã gửi các khoản trợ cấp hàng tỷ USD. Theo lệnh của Thủ tướng Mikhail Mishustin, số tiền này sẽ được dùng để khôi phục hệ thống thoát nước của Crimea, cũng như xây dựng các cơ sở xử lý và nhà máy khử muối nước biển.

Có khả năng đến năm sau, vấn đề cấp nước - giống như cấp điện trước đây, sẽ được giải quyết dứt điểm..

Tùng Dương

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga