Các quốc gia châu Á đang trở thành điểm đến của làn sóng dịch chuyển các công ty Mỹ. Theo Bloomberg, đã có 7 công ty nước ngoài dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Indonesia, với tổng mức đầu tư khoảng 850 triệu USD.

132 1 Cong Ty My Co That Su Muon Thoat Trung

Trung Quốc có lợi thế lớn về sức mạnh sản xuất thu hút các doanh nghiệp Mỹ.

Thêm công ty Mỹ rời Trung Quốc đến đầu tư tại các quốc gia châu Á.

132 2 Cong Ty My Co That Su Muon Thoat Trung

Tổng thống Widodo và Tổng thống Trump thảo luận về khả năng di dời công ty Mỹ tới Indonesia.

Chính quyền Indonesia thời gian gần đây đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm thu hút các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc sau khi nước bị bỏ lại trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ở giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), toàn bộ 33 công ty toàn cầu rút đầu tư khỏi Trung Quốc đã không chọn Indonesia làm đích đến trong cuộc thay đổi địa chấn hồi năm ngoái. Sở dĩ các doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc nhưng không đến Indonesia vì các nước láng giềng có nhiều chính sách hấp dẫn hơn.

Còn theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực tư vấn, Indonesia đang có nhiều sự không ổn định trong mắt các nhà đầu tư.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tuần trước đã cam kết sẽ đơn giản hóa quy trình phê duyệt và cung cấp mặt bằng, khí đốt và các nguồn lực giá rẻ khác cho các công ty này nếu họ quyết định dịch chuyển đến Indonesia.

Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia cũng đang đẩy mạnh mời gọi 17 doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến việc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia. Nước này đề nghị cung cấp mặt bằng là khu công nghiệp rộng 4.000 ha ở Batang, miền Trung Java. Khu công nghiệp này nằm gần cảng nước sâu, gần sân bay quốc tế và kết nối với nhiều tuyến đường bộ.

Được biết, 7 công ty nước ngoài dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Indonesia, với tổng mức đầu tư được ước tính khoảng 850 triệu USD và cam kết cung cấp việc làm cho 30.000 công nhân bản địa. Trong danh sách này có một vài cái tên nổi bật như tập đoàn điện tử LG của Hàn Quốc và Panasonic của Nhật Bản.

Alpan Lighting Products, nhà sản xuất đèn năng lượng Mặt Trời của Mỹ, cũng nằm trong danh sách này.

Indonesia đã bắt đầu nhập cuộc vào làn sóng thu hút đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đang dành quỹ đất rộng gần 462.000 ha để thu hút các doanh nghiệp sẽ chuyển khỏi Trung Quốc, India Times dẫn các nguồn tin nắm được vấn đề cho biết.

Chính phủ Ấn Độ đã lựa chọn 10 ngành, trong đó có điện tử, dược, thiết bị y tế, công nghiệp nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may, là những lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư. Chính phủ Ấn Độ chỉ đạo các đại sứ quán của nước này tìm hiểu các công ty đang muốn di chuyển sản xuất.

Cơ quan xúc tiến đầu tư của Ấn Độ tiếp nhận yêu cầu chủ yếu từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, bày tỏ mong muốn chuyển nhà máy đến nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, India Times dẫn các nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore cũng đã thực hiện những bước đi cần thiết để trải thảm đỏ đón đầu tư từ Mỹ muốn bước chân ra khỏi Trung Quốc.

Công ty Mỹ thực sự sẽ rút hết khỏi Trung Quốc?

Theo một cuộc khảo sát với 239 công ty Mỹ, khoảng 1/5 các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đang xem xét chuyển một phần hoặc toàn bộ sản xuất ra khỏi đất nước này.

Số lượng này thực sự vẫn là nhỏ trong bối cảnh có hàng ngàn công ty Mỹ rót tiền vào quốc gia tỷ dân.

132 3 Cong Ty My Co That Su Muon Thoat Trung
Hơn 5 triệu công ty toàn cầu sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Theo khảo sát chung của AmCham, đã có những lo ngại rằng các công ty Mỹ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa phi thuế quan ở Trung Quốc, nhưng 53% các chủ doanh nghiệp cho biết họ đã không trải qua bất kỳ biện pháp nào như vậy trong 10 tháng gần nhất.

Không thể phủ nhận chuyện các công ty Mỹ vẫn "hốt bạc" từ thị trường nội địa phong phú của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Trong khi phân tích sự phát triển các hoạt động của những doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) của Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2000 đến 2017, một báo cáo của Ủy ban quốc hội Mỹ cho biết, khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh công nghiệp và lãnh đạo công nghệ dài hạn của Mỹ có thể sẽ bị giảm sút bởi sự mở rộng của các công ty đa quốc gia ở Mỹ vào Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua.

Báo cáo cho biết, tổng tài sản thương mại của các công ty Mỹ ở Trung Quốc, trong số các công ty con nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất, đã tăng gấp 15 lần từ 29,3 tỷ USD năm 2000 lên tới 446,7 tỷ USD vào năm 2017. Doanh thu của họ ở Trung Quốc tăng gấp 13 lần lên tới 375,6 tỷ USD trong cùng kỳ.

Các công ty Mỹ hiện đang cung cấp 1,7 triệu việc làm cho Trung Quốc, tăng gấp 6 lần kể từ năm 2000. Các nhà sản xuất Mỹ ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và hóa chất.

Theo báo cáo, các công ty đa quốc gia Mỹ đã phụ thuộc vào Trung Quốc như là một nguồn bán hàng và là trung tâm quan trọng cho sản xuất toàn cầu, điều này sẽ có thể sẽ khiến các ngành công nghiệp có liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Hơn nữa, sự phụ thuộc như vậy có nguy cơ sẽ làm tăng chi phí khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Donald Trump để các công ty Mỹ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực khác đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch Covid-19 mới phá vỡ chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, dẫn đến mối lo ngại về sự phụ thuộc quá mức của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích của họ vì tiềm năng thị trường. Tuy nhiên, sự bùng phát Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến họ phải cân nhắc vấn đề đa dạng hóa hoạt động tại các khu vực khác, mặc dù việc chuyển sang các khu vực khác có thể mất nhiều năm vì Trung Quốc đã dần dần tiến lên chuỗi giá trị với các trung tâm công nghiệp trưởng thành và tinh vi hơn.

Hãng tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney vừa công bố báo cáo Reshoring Index (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp), cho thấy sản xuất nội địa Mỹ chiếm thị phần lớn hơn đáng kể trong năm 2019 so với hàng nhập khẩu từ 14 nền kinh tế châu Á. Trong đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Kearney, năm ngoái nhiều công ty Mỹ đã chủ động "tư duy lại" về chuỗi cung ứng. Họ thuyết phục các đối tác ở Trung Quốc di dời nhà máy sản xuất đến Đông Nam Á để tránh thuế trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoặc rút hẳn hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

"30 năm trước, các nhà sản xuất Mỹ xây dựng hệ thống sản xuất tại Trung Quốc vì chi phí rẻ. Thương chiến dẫn tới gánh nặng thuế và nguy cơ gián đoạn nguồn cung, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải cân nhắc vấn đề chi phí", chuyên gia Patrick Van den Bossche - tác giả báo cáo của Kearney - giải thích.

Hiện các nghị sĩ và quan chức Mỹ cũng đang soạn thảo đề xuất nhằm khuyến khích các công ty của nước này chuyển sản xuất hoặc cơ sở cung cấp quan trọng ra khỏi Trung Quốc. Giảm thuế, ban hành quy định mới và trợ cấp là những biện pháp đang được tính đến, Reuters đưa tin.

Hải Lâm

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga