Giám đốc WHO châu Âu cảnh báo khu vực này lại trở thành tâm dịch Covid-19, khi ghi nhận mức kỷ lục 1,5 triệu ca nhiễm mới trong một tuần.

"Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19", giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nói trong cuộc họp với bộ trưởng y tế các nước thành viên khu vực này. "Tôi phải bày tỏ mối lo ngại thực sự, dù có thể bị coi là người gây hoảng loạn".

Ông giải thích rằng số ca nhiễm mới trong tuần qua là 1,5 triệu người, mức cao chưa từng thấy. Theo thống kê của AP, khu vực này đã ghi nhận hơn 10 triệu ca nhiễm kể từ khi Covid-19 bùng phát từ đầu năm tới nay, trong đó 14 quốc gia ghi nhận số ca nhập viện tăng kỷ lục trong tuần này.

Kluge cho biết số ca tử vong tại châu Âu tăng hơn 30% trong tuần qua, khi mùa đông sắp tới, và số người nhập viện đạt mức cao nhất kể từ mùa xuân. "Tỷ lệ dương tính với nCoV đã lập mức đỉnh mới", Kluge nói và cảnh báo các hệ thống xét nghiệm không theo kịp được tốc độ lây nhiễm.

 

132 1 Chau Au Tro Lai La Tam Dich Covid 19

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge trong cuộc họp báo ngày 27/3 tại Đan Mạch. Ảnh: Reuters.

Khu vực châu Âu của WHO có tổng cộng 53 quốc gia, gồm lục địa này cùng Nga và một số nước Trung Á như Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan.

Bất chấp số ca nhiễm gia tăng, Kluge cho rằng phong tỏa toàn quốc nên được xem là phương sách cuối cùng. Ông cho biết lý do khuyến cáo các quốc gia mở cửa là để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của người dân sau thời gian chịu đựng lệnh phong tỏa quá lâu.

Một số quốc gia châu Âu như Đức, Ireland và Pháp đã ban hành biện pháp phong tỏa để hạn chế nCoV lây lan. Kluge hồi tháng 9 nhận định số ca nhiễm sẽ tăng nhanh hơn cả hồi tháng 3 và nên được coi là "lời cảnh báo".

Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Châu Âu sau đó trở thành tâm dịch, khi làn sóng lây nhiễm khiến hệ thống y tế của nhiều nước trên bờ vực sụp đổ, nhiều quốc gia phải áp lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan.

Tâm dịch Covid-19 sau đó dịch chuyển sang Mỹ, nước hiện có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Đại dịch đến nay đã khiến hơn 45 triệu người nhiễm, gần 1,2 triệu ca tử vong và hơn 33 triệu người đã bình phục.

 

Nguyễn Tiến (Theo Hill)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga