Cảnh sát London bắt giữ hàng chục người sau khi hàng nghìn người đổ ra đường phố thủ đô phản đối quy định hạn chế Covid-19.

Cảnh sát London hôm 20/3 thông báo đã bắt 33 người vào đầu giờ tối, đa số bị bắt vì vi phạm quy định chống Covid-19 khi ra khỏi nhà không phải vì nhu cầu thiết yếu.

132 1 Anh Bat 33 Nguoi Bieu Tinh Chong Phong Toa

Cảnh sát London bắt một người biểu tình hôm 20/3. Ảnh: AFP

Ước tính vài nghìn người đã xuống đường biểu tình từ trưa 20/3 tại London, bắt đầu từ công viên Hyde. Sau khi đám đông diễu hành qua trung thâm thủ đô, một nhóm khoảng 100 người đã quay lại công viên. Đã có báo cáo về các vụ ẩu đả cũng như ném chai lọ vào cảnh sát.

"Các sĩ quan tiếp tục theo sát người dân đang biểu tình ở trung tâm London", cảnh sát London trước đó thông báo trên Twitter. "Họ tụ tập đông người và chúng tôi đang khuyến khích giải tán về nhà".

"Các sĩ quan sẽ thực thi hành động cưỡng chế nếu cần thiết. Chúng tôi có thể phạt hành chính hoặc bắt giữ".

Các biện pháp hạn chế Covid-19 của Anh áp dụng từ đầu tháng 1, khi tỷ lệ người nhiễm, tử vong và nhập viện vì Covid-19 tăng vọt. Tình hình cải thiện rõ rệt từ đó. Thủ tướng Boris Johnson tháng trước ban lệnh nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, quy định người dân ở trong nhà và không ra đường trừ phi mua nhu yếu phẩm sẽ chấm dứt vào cuối tháng này.

Nhiều cuộc biểu tình chống các lệnh phong tỏa với quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, diễn ra thường xuyên trong thời kỳ đại dịch, buộc cảnh sát phải thực hiện một số ít vụ bắt giữ.

Tuy nhiên, phản ứng của cảnh sát trước cuộc biểu tình hôm 20/3 đang được chú ý đặc biệt do người dân phẫn nộ trước tin một phụ nữ biểu tình được cho là đã bị cảnh sát bắt cóc và sát hại tuần trước.

Cảnh sát đã xung đột với đám đông chủ yếu là nữ, gồm vài trăm người, khống chế người biểu tình. Cảnh sát trưởng London Cressida Dick, người đang đối mặt kêu gọi từ chức, đã đồng ý mở điều tra nội bộ và độc lập về cách phản ứng của các sĩ quan hôm đó.

Sự việc cũng làm dấy lên tranh luận về quy định của luật pháp với người biểu tình trong thời kỳ đại dịch. Hơn 60 nhà lập pháp hôm 20/3 đã phối hợp cùng một tổ chức quan sát nhân quyền ký thư cảnh báo hình sự hóa biểu tình là "không thể chấp nhận và bất hợp pháp".

Hồng Hạnh

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga