Chương trình giáo dục 2018 có định hướng, thiết kế và mục tiêu rất rõ ràng, trong đó khẳng định, nó là “lời cam kết của nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông”; bây giờ ông Nam phủ nhận và nói rằng “một chương trình học chung không thể đáp ứng”, để rồi ông nhiệt liệt cổ vũ cho dạy thêm ngay trong chính nhà trường, thế là thế nào?

1 Pgsts Tran Thanh Nam Da Doc Chuong Trinh Giao Duc 2018 Chua

1. Đọc phát biểu của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội trên báo VietNamNet, mà hoang mang quá.

Ông Nam nói:

Quan điểm của tôi là học sinh cần học thêm. Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã hướng đến những năng lực, phẩm chất toàn diện của người học nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi tri thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân và với cách tiếp cận mỗi học sinh là một cá thể độc đáo, một chương trình học chung không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập của người học”.

Tôi thấy hoang mang vì có cảm nhận rằng, qua phát biểu này, hình như ông Nam chưa đọc Chương trình giáo dục 2018. Vì nếu đã đọc rồi thì ông phải biết rằng, Chương trình 2018 (đang thực hiện) là “tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời”.

Nghĩa là bên cạnh nhiều mục tiêu cao đẹp như vừa điểm sơ qua, thì chương trình này nhằm xây dựng cho học sinh “năng lực tự học suốt đời”. Đó là một mục tiêu đúng, vì thời nay không ai ăn rồi đi học thêm suốt đời theo kiểu “nửa chữ cũng thầy” để mong có thể thành tài được cả.

Chương trình 2018 ghi rõ: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định:

“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Và trong đó khẳng định Chương trình 2018 “là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông”. Nhà nước đã cam kết đảm bảo chất lượng bằng việc ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục này với một lượng tiền khổng lồ đã đổ ra; nay ông Nam nói thế, thì hóa ra nhà nước không cam kết nữa à? Ông Nam có phải người đại diện cho nhà nước không mà phát biểu ẩu vậy?

2. Ông Nam còn nói “Một chương trình chung khó có thể giúp bồi dưỡng và phát triển tài năng từ sớm. Học sinh tài năng sẽ cần học thêm những chương trình tăng tốc hoặc nâng cao để phát triển tối ưu tiềm năng, thế mạnh của mình”. “Mỗi người có yêu cầu lộ trình học tập và rèn luyện các năng lực, phẩm chất nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy, để phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân, nhu cầu học thêm là có thực và hoàn toàn chính đáng”.

Hình như ông Nam hoàn toàn không nắm rõ chương trình giáo dục 2018 nên mới phát biểu như vậy, vì chương trình này quy định giáo dục phổ thông được chia làm 2 giai đoạn rõ ràng, là giáo dục cơ bản (Tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT).

Để định hướng nghề nghiệp, phát triển tài năng, “cá nhân hóa”, chương trình này cũng đã chủ trương và được thiết kế theo hướng “dạy học phân hóa”. Đó là “định hướng dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm – sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của học sinh”.

Cụ thể, “Mỗi môn học […] có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp”.

Đó là tôi còn chưa nhắc đến sự tồn tại của hệ thống trường chuyên nữa đấy!

3. Và như tiêu đề bài báo đã dẫn, ông Nam nói: “Cho phép dạy thêm còn hơn để giáo viên bán hàng, làm môi giới bất động sản”.

Tôi không hiểu tại sao ông PGS-TS Trần Thành Nam lại có được suy nghĩ lạ lùng như vậy. Nếu là vì lương giáo viên thấp mà họ phải “lên sóng livestream bán hàng online, hay tham gia môi giới bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, lướt sóng tiền ảo” thì với tư cách là một trí thức, lại lãnh đạo một trường đại học về giáo dục, ông phải đề xuất/ đòi hỏi cải cách tiền lương cho giáo viên, để họ toàn tâm toàn ý với nghề, chứ sao lại đi cổ xúy cho việc dạy thêm kiếm tiền?

Ông Nam có biết rằng, một khi dạy thêm được hợp thức hóa hoàn toàn trong nhà trường thì Chương trình giáo dục quốc gia 2018 cũng sẽ bị phá vỡ, và sẽ kéo theo vô vàn hệ lụy về mặt giáo dục – xã hội không thể kiểm soát nổi?

Như đã dẫn ra, chương trình giáo dục 2018 có định hướng, thiết kế và mục tiêu rất rõ ràng, trong đó khẳng định, nó là “lời cam kết của nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông”; bây giờ ông Nam phủ nhận và nói rằng “một chương trình học chung không thể đáp ứng”, để rồi ông nhiệt liệt cổ vũ cho dạy thêm ngay trong chính nhà trường, thế là thế nào, thưa ông?

Một lần nữa, tôi cho rằng, việc ủng hộ, cổ vũ, bênh vực cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường và của các giáo viên trong hệ thống, là một sự phản bội đối với Chương trình giáo dục 2018.

Nhà báo Thái Hạo

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga